Thông báo

Truyện cổ tích Sự tích chim Tu Hú






Sự tích chim Tu Hú


Ngày xưa, có một người đàn ông tính tình rất ngay thật song phải cái tật nóng nảy, sôi nổi khiến cho mọi người sống gần lấy làm khó chịu. Người ta đặt cho anh chàng nóng tính tên là Bất Nhẫn. 


Một hôm Bất Nhẫn gặp một vị sư già quen biết lâu năm với gia đình, khuyên nhủ anh ta thay đổi tính xấu đã đem lại nhiều sự phiền nhiễu, tai hại cho đời anh. Bất Nhẫn hứa cải đổi, theo lời nhà sư vào ở trong rừng, nguyện ngồi yên trong một trăm ngày không để ý đến mọi việc xảy đến cho mình. 



Ban đầu sự có mặt của Bất Nhẫn trong khu rừng vắng vẻ làm cho các loài vật sợ hãi, nhưng rồi thấy êm thắm vô hại, chúng quen dần và xem anh cũng như một khúc cây. Bất Nhẫn lấy làm khốn khổ thấy lũ thú rừng bừa bãi chung quanh mình, có khi chim chóc lại ỉa cả trên đầu, song nhớ lại lời nguyện với nhà sư nên anh cũng không tỏ vẻ gì tức giận. Một đôi vợ chồng chim sâu đến làm tổ đẻ ngay ở búi tóc trên đầu, Bất Nhẫn cũng để yên. Được ít lâu chim con nở ra chíu chít. 



Một hôm chim mái đi kiếm mồi cho con hơi muộn, đang hút nhụy hoa sen, gặp trời chiều tối các cánh hoa khép lại. Chim mái phải ở lại suốt đêm trong lòng hoa, đến sáng ngày hoa hé nở mới bay ra được. Về đến tổ thấy các con mà chẳng thấy chồng đâu, chim mái nổi cơn ghen, không nghĩ rằng chim trống đã bay đi từ sớm tìm kiếm vợ. Đến khi thấy chồng trở về, chim mái gây sự cãi nhau, đổi tội cho chồng đã thừa đêm vợ vắng nhà mà đi theo gái. Chim trống nói thế nào chim mái cũng không chịu tin, khiến nó phải gọi Bất Nhẫn làm chứng: 



"Tôi đã thề với mình là suốt đêm tôi ở nhà ấp ủ cho con, nếu mình không tin lời thì thử hỏi con người bị trời trồng này xem." 



Nghe nói thế, Bất Nhẫn không cầm lòng được nữa, lấy tay hất cả tổ chim xuống đất mà rủa: 



"Đồ vô ơn khốn kiếp, sỡ dĩ tao chịu ngồi yên như thế này cho chúng mày làm tổ và ăn ỉa trên đầu trên cổ là vì tao đã có lời nguyện, chứ tao có bị tội trời trồng đâu mà chúng mày dám bảo thế." 



Cơn tức giận đã phá hoại cả lời nguyện của Bất Nhẫn sắp thành quả vì anh đã ngồi yên được chín mươi chín hôm. 



Thất bại lần này, Bất Nhẫn ra công tìm cách khác để mong đạt được ý nguyện. Nghe trong sách nói ai giúp được người ta qua sông nước ngặt nghèo thì động đến lòng Trời Phật, Bất Nhẫn mới đứng ra làm kẻ chở thuyền. Anh chọn một khúc sông hiểm trở, sắm một chiếc thuyền, tự nguyện chở giúp ch một trăm người quá giang. 



Chỗ sông này vắng vẻ nên ít có người qua lại, song Bất Nhẫn vẫn kiên tâm chờ đợi. Trong vòng một năm anh đã chở được chín mươi tám người qua sông. Chỉ còn có hai người nữa là anh có thể từ giã chốn sông nước đìu hiu, nguy hiểm này. Một hôm, có một người đàn bà cùng đi với một đứa bé đến. Thiếu phụ còn trẻ tuổi có vẻ đàng điếm, kiêu kỳ, mới bước xuống thuyền đã lên giọng hách dịch bảo:



"Bác chở chúng tôi sang bên kia bờ, phải cẩn thận không thì mất đầu, nghe chưa"? 



Bất Nhẫn từ tốn trả lời để yên lòng khách, thiếu phụ lại dục giã chèo mau. Chiếc thuyền khó khăn lắm mới vược qua ba phần sông, sắp đến bờ thì thiếu phụ bỗng kêu lên, buộc phải quày trở lại vì đã bỏ quên gói cơm của đứa con. Bất Nhẫn nghe theo quày thuyền trở lại cho hai mẹ con lên bến. Đợi một lúc lâu, thiếu phụ cùng con trở lại xuống thuyền. Cũng như chuyến trước, thuyền vừa gần qua tới nơi, người đàn bà lại ra lệnh bảo quay trở lại vì đã bỏ quên gói hành lý. Lần này Bất Nhẫn không còn dằn được nữa, tức giận bảo:



"Cô ả này dễ thường quên đến cả vú nếu hai vú không dính chặt vào người". 



Anh vừa nói xong thì người đàn bà hiện nguyên hình Phật Bà Quan Âm bảo với Bất Nhẫn: "Thế mà anh cũng nguyện đòi sửa đổi tính nết, cũng đòi tu? Tu hành gì anh, tu hú!" Dứt lời Phật Bà bay lên trời. 



Bất Nhẫn buồn rầu thất vọng trở về, đau khổ nhuốm bệnh mà chết, hóa kiếp thành một con chim. Lời nói sau cùng của Phật Bà con văng vẳng mãi trong trí óc Bất Nhẫn, cho đến khi hóa ra chim rồi, cũng vẫn còn nhắc nhở hai tiếng tu hú. 



Lúc Bất Nhẫn gặp Phật Quan Âm là vào mùa vải chín, cho nên mỗi năm cứ đến mùa này người ta thấy giống chim tu hú xuất hiện, não nùng kêu: Tu hú

Đăng nhận xét

0 Nhận xét