Thông báo

Trường sinh bất tử

(Truyện cổ Nhật Bản)




Thuở xưa tại vùng hải đảo Phù Tang là một nơi cảnh sắc vô cùng thơ mộng. Bên cạnh những hòn đảo đá vàng, đất đỏ, có những cù lao nhỏ xanh um những rừng thông. Nhiều xóm làng làm nghề chài lưới sống hiền hoà, êm đềm bên cạnh bờ biển ngàn nơi nhấp nhô sóng bạc.


Vào một buổi sáng đẹp trời chàng ngư phủ U-ra-si-ma Ta-rô dong thuyền ra khơi. Thuyền chàng là một chiếc thuyền bằng gỗ, dẹp và không có bánh lái, cũng chẳng có buồm. Ta-rô là một thanh niên vạm vỡ, khôi ngô và tính tình hiền hoà,đôn hậu. Sáng hôm đó, Ta-rô câu mãi chưa được con cá nào, cuối cùng chàng mới thấy có vật gì nằng nặng dưới cần câu. Chàng mừng rỡ kéo lên, thì ra đó là một con rùa nhỏ. 


Ở Nhật Bản người ta cho rằng rùa là con thú sống lâu nhất ở Nhật, có con sống lâu đến mười ngàn năm. Nó là quân hầu của Đông Hải Long Vương. Vì lý do đó, không ai dám giết rùa vì sợ gặp điều xui xẻo. Ta-rô biết như vậy nên gỡ rùa ra khỏi lưỡi câu, ve vuốt nó rồi nói:


- May cho mày rơi vào tay tao, nếu gặp kẻ hung ác thì mày mất mạng rồi con ơi! Hắn sẽ làm thịt mày, như vậy thì mày làm sao tiếp tục sống cho hết thế kỷ này, sang thế kỷ khác. Thôi ta thả mày về Thuỷ cung, nhớ tâu với Long Vương rằng tao gửi lời chúc ngài trường thọ nghen...


Nói xong, chàng thả con rùa xuống nước. Con rùa, trong chốc lát đã chìm sâu mất hút. TaRô cảm thấy chẳng buồn câu cá nữa. Chàng nằm dài trên thuyền, ngửa mặt nhìn mây bay trên nền trời xanh màu ngọc thạch. Khung cảnh sáng nay thật dịu dàng, thơ mộng khiến tâm hồn TaRô cảm thấy lâng lâng. Bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm thân yêu trở về trong ý nghĩ của chàng. Làng DuRa bé nhỏ, với cư dân hìên hoà chuyên nghề chài luới, nhà nào cũng có những chiếc thuyền như thuyền của chàng, những ngôi nhà gỗ có vuờn cây bao bọc xung quanh. Đền XinhTô nằm gần bờ biển, khu nghĩa trang nơi tổ tiên chàng yên giấc nghìn đời. Tarô nghĩ đến cha mẹ chàng, những người đã hết dạ yêu thương chàng, lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc, đùm bọc, che chở chàng...


Trời đã đúng ngọ, cảnh vật yên lặng như tờ. Thuyền chàng từ từ trôi trên mặt biển lặng sóng. Khung cảnh thần tiên đó ru TaRô vào giấc say nồng. 


Tarô chợt choàng tỉnh khi thấy bàn tay mình có ai ve vuốt, nhẹ nhàng. Mở mắt ra, chàng thấy trước mặt mình một thiếu nữ đẹp lộng lẫy, tóc dài chấm gót. Nàng âu yếm nhìn TaRô và cất tiếng dịu dàng. Giọng nói của nàng thật ngọt ngào, êm dịu:


- Chàng đừng ngạc nhiên. Thiếp là con gái của Đông Hải Long Vương. Phụ thân thiếp cảm ơn chàng đã tha chết cho con rùa nên sai thiếp đến đây mời chàng xuống thăm viếng Thủy cung. Và nếu chàng không chê thiếp, chúng ta sẽ kết duyên cùng nhau và an hưởng hạnh phúc ở dưới đó, suốt đời...


TaRô rất đỗi bàng hoàng. Chàng ngẩn ngơ nhìn nguời đẹp. Thật chưa bao giờ chàng lại gặp người đẹp như người đang đứng trứơc mặt chàng. Tuy lòng chàng xao xuyến, tràn ngập yêu thương nhưng lại không biết dùng lời gì để diễn tả. Người đẹp không chờ chàng trả lời đã ngồi xuống lòng thuyền, cầm lấy mái chèo. Nàng một mái, chàng một mái, họ nhẹ nhàng chèo thuỳên ra xa. Thuyền trôi trên mặt biển lặng lờ. Cảnh vật im lìm, chỉ nghe tíêng mái chèo nhịp nhàng đập nứơc cũng như TaRô đang nghe nhịp tim mình rung động vì hạnh phúc xảy đến bất ngờ. Một lát sau, họ đi vào một thế giới thật huy hoàng. TaRô trông thấy một cung điện nguy nga bằng cẩm thạch dựng lên giữa vườn hoa trăm màu, trăm sắc, sực nức hương thơm. Một trăm tên quân hầu và một trăm thị nữ tưng bừng chạy ra đón tiếp công chúa và phò mã. 


Đông Hải Long Vương, ngự trên ngai vàng truyền mở tiệc khoản đãi TaRô và lễ cưới của chàng đựơc cửa hành ngay một cách vô cùng trọng thể. 


... Sống dưới Thuỷ cung, bên cạnh nguời vợ trẻ đẹp mỹ miều, TaRô tưởng như hạnh phúc của mình không còn gì sánh kịp. Tuy nhiên, đôi khi chàng chợt buồn và ái ngại trong lòng. Chàng tự nhủ:


- "Hẳn cha mẹ đang buồn rầu, lo lắng trước sự ra đi của ta. Nếu họ biết là ta đang sống sung sướng dưới Thủy cung này chắc họ sẽ mừng lắm. Ta sống ở đây bao lâu rồi nhỉ? Một năm, hai năm,bao lâu rồi ta cũng không hay. Ta phải ngỏ ý với vợ để trở lại trần gian vài ngày thăm viếng song thân rồi sẽ trở lại Thuỷ cung cũng không muộn". 


Chàng đem đìêu đó nói cho vợ biết. Công chúa có vẻ buồn rầu. Nàng khóc thâu đêm khíên TaRô phải hết lời khuyên dỗ:


- Ta hứa với nàng là ta sẽ trở lại ngay. Cuộc sống ở đây hạnh phúc quá, ta làm sao quên được!


Cuối cùng, biết không thể can ngăn đựơc chồng, công chúa đành phải cầm tay chồng thỏ thẻ:


- Em không thể nào ngăn chàng tỏ lòng hiếu thảo với song thân, tuy nhiên em sợ lắm, em sợ chàng đi rồi thì đôi ta sẽ xa cách nhau mãi mãi. Tuy nhiên, em xin tặng chàng một kỷ vật. Kỷ vật này sẽ giúp chàng trở lại với em, nếu lòng chàng còn thiết tha tưởng nhớ.


Nàng trao cho chàng một cái hộp nhỏ bằng gỗ trầm hương, bên ngoài cột một sợi dây bằng lụa.


Nàng căn dặn:


- Chàng đừng đánh mất chiếc hộp, cũng đừng mở nó ra mặc dầu có chuyện gì cũng vậy. Chàng mở ra thì chẳng bao giờ chàng còn trở lại đây được nữa, 


Vừa nói, nàng vừa gạt lệ:


- Nàng yên trí đi, ta xin hứa với nàng là sẽ chẳng bao giờ mở cái hộp này. Sau khi thăm viếng song thân xong, ta sẽ trở về hội ngộ cùng nàng...


Chiếc thuyền gỗ của TaRô lâu nay được giữ gìn tại Thủy cung. Người ta lại lấy ra để Tarô chèo về dương thế. Tarô cẩn trọng để chiếc hộp ở bên mình và chèo thuyền ra đi.


Chàng chèo một lúc lâu thì thấy thuyền mình dạt vào một hòn đảo, dân cư đông đúc. Quê hương của chàng đó rồi. TaRô mừng rỡ, đặt chân lên bộ và không tránh khỏi xúc động, bàng hoàng. Chàng trở về cố hương mà cảm thấy lạc lõng như một người xa lạ. Chỉ còn những đồi núi là còn nhận ra đựơc mà thôi, còn những vật khác đều thay đổi hết. Nhà cửa cái nào cũng to lớn, cao rộng. Ruộng vừơn đổi chỗ. Đền XinhTô nay dựng lên ở một chỗ khác cao hơn. Ngôi nhà cũ của chàng ngày xưa giờ là một khu rừng thông đang mọc lên xanh tốt.


Người qua lại nhìn chàng ngư phủ bằng đôi mắt ngỡ ngàng. Ngày xưa, chàng quen mặt hết làng xóm, láng giềng, sao bây giờ nhìn ai cũng toàn người lạ hoắc?


TaRô tìm một ông lão già nhất để hỏi nguyên do:


- Thưa lão trượng, xin lão trượng cho cháu biết nhà của TaRô bây giờ dọn đi đâu? 


Oâng lão tóc bạc phơ, lưng còng xuống nhìn chàng có vẻ ngạc nhiên:


- Chú nói gì?


- Dạ, cháu hỏi xem gia đình Tarô bây giờ dọn đi đâu?


- Sao?


- Dạ, cháu muốn kiếm nhà TaRô.


Tưởng ông lão lãng tai nên TaRô hét lớn:


- Cháu tìm nhà TaRô! U-ra-si-ma TaRô lão trượng có biết không?


Oâng lão trả lời:


- Chú có điên chăng? U-ra-si-ma-Ta-Rô là một anh thuyền chài trẻ tuổi đã bị chết chìm trên biển cả, cách đây bốn trăm năm. Lạ cái là anh chết chìm giữa lúc biển yên, sóng lặng. Người ta có xây cho anh ta một ngôi mộ ở ngoài nghĩa trang, lão muốn nói tại nghĩa trang cũ cơ, nghĩa trang mà người ta đã bỏ phế cách đây năm mươi năm rồi. Chú có thể đến thăm mộ TaRô. Chuyện đã trở thành cổ tích, sao chú còn hỏi gì ngớ ngẩn vậy?


U-ra-si-Ta-Rô lặng lẽ đi về phía nghĩa trang. Chàng tìm thấy nơi đó ở ngôi mộ của chính chàng nằm bên cạnh mộ cha, mẹ chàng và vô số con cháu thuộc giòng dọ chàng. Các ngôi mộ hầu hết đều rêu phong, cổ kính.


TaRô thảng thốt, bàng hoàng.


Trong tay chàng vẫn nắm chiếc hộp của công chúa thủy tề. Chàng thầm nhủ:


- Tại sao lại có chuyện kỳ lạ thế nhỉ? Mọi vật quanh ta đều thay đổi hết. Chưa chừng ta mở chiếc hộp này ra sẽ biết điều bí mật đó. Nó sẽ giải thích cho ta hiện tượng lạ lùng này. Nên mở hộp ra chăng? Ta đã hứa với nàng là sẽ không bao giờ mở... Oà, ta cứ tháo sơi dây lụa ra, xong rồi cột lại như cũ, nàng làm sao biết được... ta phải mở chiếc hộp để khám phá ra điều bí mật.


TaRô tháo mối và mở chiếc hộp. Từ lòng chiếc hộp, chàng lấy một làn khói trắng bay lên hướng nam, hướng của Thủy cung. Chiếc hộp chỉ đựng có làn khói đó, ngoài ra không còn vật gì khác nữa. TaRô giật mình. Chàng biết nguy đến nơi rồi. Hối hận vì hành động của mình nhưng không làm sao đựơc nữa. TaRô biết rằng từ nay chàng tuyệt đường về, không mong chi trở lại Thủy cung nơi người vợ hìên đang đón đợi. Buồn rầu, TaRô khóc nức lên. Chàng khóc một hồi và cảm thấy máu mình đông đặc trong huyết quản, tay chân teo tóp lại như cây khô, tóc chàng trở nên bạc phơ, răng chàng rụng ra từng cái. Khí lực chàng dần dần tiêu tán. TaRô nằm gục xuống bên đường.


Bốn thế kỷ đi qua đã đè nặng xuống người ngư phủ trai trẻ kia.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét